Ba Công – Người biến đồng hoang thành khu du lịch sinh thái


Ba Công – Người biến đồng hoang thành khu du lịch sinh thái
Tiếp chuyện tôi trong phòng làm việc của anh, hớp ngụm trà nóng thơm lừng, anh Ba Công tâm sự: “Tôi là đứa con thứ ba trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 5 anh em. Năm 20 tuổi, tôi tham gia công tác tại Huyện Đoàn Cao Lãnh để xây dựng nông thôn mới… Trước đây, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là một vùng đất hoang vu rất khó sống thuộc địa bàn xã Phong Mỹ. Bởi, nơi này là vùng đất khắc nghiệt đầy nắng và gió; cỏ năn và lúa trời; chua phèn và nước thúi; muỗi mồng và đỉa vắt; cá chim và rắn chuột… của Đồng Tháp Mười một thời vang danh: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”, “Đến đây xứ sở lạ lùng – nghe tiếng con chim hót, tiếng con cá vùng, cũng kinh”… Mùa khô, đất nứt nẻ như ô cờ tướng, còn mưa xuống thì nước dậy phèn… đường giao thông, nước uống và sinh hoạt không có, phải dùng xe trâu vận chuyển hàng chục cây số vào để sử dụng. Tại các bưng, trấp, đìa, bàu… thì rong đuôi chồn lượn lờ dưới dòng nước phèn trong veo đến con cá sặt, cá chốt, cá rô tung tăng cũng thấy rõ mồn một. Cây lúa sạ được hơn một tuần đang lên xanh tốt, bỗng vài ngày sau là bị đỏ đầu, đem phân rải xuống thì cây lúa từ từ lụi tàn rồi chết sạch… Đến mùa nước nổi, phải dùng xuồng nhỏ kết thành bè để làm nhà tạm cư, sinh hoạt…”.
Ba Công - Người biến đồng hoang thành khu du lịch sinh thái 1
 Quảng cảnh khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Cuối năm 1985, UBND huyện Cao Lãnh quyết định thành lập lực lượng thanh niên xung phong, anh Ba Công được điều động từ Ủy viên thường vụ Huyện Đoàn sang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên xung phong (thuộc Tiểu đoàn 705) để tiến quân vào khai thác Đồng Tháp Mười. Với bản tính năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngay sau khi đảm nhận trọng trách được giao, anh Ba Công vừa thực hiện vai trò chỉ huy – vừa cùng với hàng trăm thanh niên xung phong bắt tay vào đào kênh, xẻ rạch, làm thủy lợi nội đồng để tháo chua – rửa phèn; đào đắp lộ giao thông, làm cầu, đặt cống, lên liếp trồng tràm… Qua quá trình lao động vất vả và cật lực của con người chịu đựng gian khó, mầm sống của những hecta tràm đã vươn lên và phát triển, tạo thuận lợi cho nhiều loài động vật hoang dã lũ lượt kéo về trú ngụ, sinh sôi và hình thành cảnh quan môi trường sinh thái độc đáo như huyền thoại… Đến năm 2001, Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng được thành lập do anh Ba Công làm trưởng ban có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển khu rừng tràm và các loài động thực vật quý hiếm khác… Toàn khu du lịch sinh thái Gáo Giồng hiện có gần 1.700ha rừng tràm; trong đó, có khoảng 40ha là nơi trú ngụ của hơn 15 loài chim nước, hàng chục loài cá nước ngọt cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác… Những loài chim nước gồm có: cồng cộc, cò trâu, cò gà, gà đãi, giang sen, sáo, diệc mốc, diệc lửa, trích cồ, trích nước… từ các nơi kéo về kiếm ăn, làm tổ, đẻ trứng… Nguồn thủy sản tại khu rừng tràm Gáo Giồng này cũng rất phong phú và đa dạng như: rắn, rùa, lươn, ếch, cá lóc, trê, rô, sặt, chốt, lòng tong, cá linh, mè vinh… Trong khuôn viên Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng còn được thiết kế nhiều khu tham quan như: khu sân chim, khu câu cá, khu nghỉ ngơi, khu ẩm thực với các món ăn thật ấn tượng và ngây ngất lòng người…

Từ bàn tay và khối óc của những con người lao động cần cù, đã góp công sức để hình thành, tôn tạo và bảo vệ khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng ngày càng trở nên sung túc, được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn không khí trong lành, sự yên tĩnh thoải mái của vùng quê và thư giãn trên những chiếc xuồng được các cô gái tuổi 18, đôi mươi xinh đẹp, dịu dàng… bơi êm trên mặt nước, luồn lách qua những con kênh uốn lượn dưới những tán tràm rợp mát… Nguồn thu từ du lịch đã lên tới cả tỷ đồng hằng năm. Bên cạnh đó, Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng còn tổ chức khai thác hàng trăm hecta tràm, thu lợi trên dưới 4 tỷ đồng mỗi năm… góp phần đáng kể vào việc nộp ngân sách Nhà nước. Từ năm 2003 đến nay, thông qua việc liên kết các tour du lịch với các đoàn lữ hành nên một số công ty, đơn vị đã đầu tư kinh phí hơn 700 triệu đồng giữ lại không khai thác 300ha tràm trên 10 năm tuổi để phục vụ du lịch sinh thái… Ông Đặng Xuân Huy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Sau những ngày làm việc căng thẳng, tôi và gia đình, bạn bè thường tìm đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng để vui chơi, nghỉ dưỡng và tham quan, du ngoạn. Bởi, nơi đây không khí trong lành, hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, với nhiều loài động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm, luôn được mệnh danh là “lá phổi” xanh của đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó chúng tôi còn thưởng thức các món ăn dân dã mà ngon miệng và nghe đờn ca tài tử”.
Để bảo vệ và phát triển tốt cảnh quan, môi trường sinh thái của khu du lịch Gáo Giồng thật sự bền vững, anh Ba Công cùng với tập thể Ban quản lý luôn chú trọng tuyên truyền, vận động bà con quanh vùng bảo vệ rừng và những động vật hoang dã; cho bà con hưởng lợi của rừng bằng cách chiết tỉa tràm “xôi đậu” về làm chất đốt hoặc bán kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống và quan tâm hoạt động từ thiện – xã hội ở địa phương. Hằng năm, anh đều có chủ trương trích quỹ phúc lợi cả trăm triệu đồng để cất nhà tình thương, phát gạo cho hộ dân nghèo, gia đình chính sách neo đơn, cấp học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, cho mượn vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cây bắc cầu, làm đường giao thông ở địa phương… Bây giờ, đến Gáo Giồng ai cũng cảm nhận được bộ mặt nông thôn đã thay đổi khởi sắc. Cánh đồng hoang vu năm xưa, nay đã trở thành khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng thật trù phú, chan hòa ánh điện. Những con lộ nông thôn vượt lũ đã được láng nhựa bằng phẳng; cầu bêtông vững chãi đã được xây dựng nối liền đôi bờ kênh. Dọc hai bên đường là những căn nhà tường, nhà ngói khang trang, đẹp mắt… với giàn ăngten nhô cao biểu hiện cho sự khá giả, sung túc của vùng sâu Đồng Tháp Mười. Phía sau nhà là cánh đồng lúa hai vụ thẳng cánh cò bay… Khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng là mô hình sinh thái Đồng Tháp Mười thu nhỏ đang lưu giữ nhiều loài động vật quý hiếm và là lá phổi xanh của con người, thu hút hàng chục ngàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, du ngoạn… Hơn 25 năm hình thành và phát triển được Khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng hấp dẫn và lý tưởng này là công lao đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong ngày ấy và đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngày nay mà trong đó vai trò đầu tàu gương mẫu của anh Trần Thành Công! Nhiều năm qua, anh Ba Công và tập thể Ban quản lý đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Cao Lãnh tặng thưởng nhiều bằng khen. Năm 2011, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, anh Trần Thành Công được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Điều trăn trở và nguyện vọng của anh Ba Công mà anh tâm sự trước khi chia tay với tôi là: “Trong thời gian tới, hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khu du lịch sinh thái này xây dựng thêm các công trình, hạng mục, tái phục chế thời khẩn hoang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc dã ngoại vui thú điền viên để khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng là trung tâm khu du lịch xanh, một bảo tàng thiên nhiên có tầm cỡ cùng với tính hiếu khách và phóng khoáng của người Nam Bộ, thu hút ngày càng đông khách đến tham quan, du ngoạn và nghỉ ngơi sau những tháng ngày làm việc, lao động mệt nhọc và căng thẳng…”.

Hiện tại, anh Ba Công đang sinh sống trong mái ấm gia đình thật hạnh phúc bên cạnh người vợ và 4 đứa con. Anh Ba Công thường giáo dục con cái có ý chí tự lập, sống có đạo đức, có lý tưởng, tự phấn đấu vươn lên bằng chính khả năng và nghị lực của bản thân, không ỷ lại vào cha mẹ…

Bài, ảnh: Trần Trọng Trung