Giữa Đồng Tháp Mười có một khu du lịch sinh thái nghe rất lạ tai: Gáo Giồng. Một ngày tận hưởng thiên nhiên hoang sơ nghe vọng cổ, ăn cá đồng nướng còn gì tuyệt hơn…
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm trong khu rừng tràm thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hai bên đường đến Gáo Giồng là đồng ruộng, xen kẽ những cụm vườn nhỏ, nhà cửa thưa thớt nằm dọc theo những dòng kênh nước đục ngầu phù sa. Cảnh vật yên ắng, hoang sơ.
Du thuyền giữa rừng tràm
Vừa đến Gáo Giồng, du khách được mời những món đặc sản làm từ sen như uống trà tim sen, ăn hột sen rang mà không sợ nhầm… đồ giả. Trước khi vào thăm vườn chim, khách được mời lên đài quan sát cao 18m dùng ống nhòm quan sát gần như toàn bộ vườn chim giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh thẳm.
Gáo Giồng được chia thành bốn khu với trên 70km kênh phân lô, 20km đê bao khép kín. Khu du lịch hiện có 15 chiếc xuồng composite đưa khách tham quan xuyên qua rừng tràm đến sân chim Gáo Giồng. Còn thú vị nào bằng ngồi trên xuồng đi tham quan cùng các cô thôn nữ duyên dáng trong bộ áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, nón lá che nghiêng.
Cả đi và về mất chừng 40-50 phút trên một quãng đường kênh dài hơn 2km xuyên rừng tràm. Xuồng đi êm ru qua các con kênh liêu phiêu những vạt bèo cám xanh như thảm cỏ, bông tràm trắng đung đưa tỏa hương thơm ngát. Không gian hoang sơ, tĩnh lặng khiến lòng người bất chợt thấy tĩnh tại.
Mùa nước nổi ở Gáo Giồng – Ảnh: H.T.V. |
Cánh cò trên quê hương Đồng Tháp – Ảnh: H.T.V. |
Sân chim có nhiều loài đặc trưng của miền đồng bưng như: trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời, diệc, điên điển… Đặc biệt có loài diệc lửa và nhan điển – hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, nhưng nhiều nhất vẫn là loài cò trắng kêu vang táo tác khi bị những chiếc xuồng làm xáo động. Rừng tràm Gáo Giồng hiện nay được xem là vườn cò lớn nhất ở khu vực Đồng Tháp Mười. Tuyệt nhất có lẽ là bức tranh thiên nhiên sống động vào sớm bình minh hay buổi hoàng hôn nắng úa cuối chân trời…
Vào mùa nước nổi, những lung sen xanh bạt ngàn được điểm xuyết bằng những cánh hoa sen màu hồng phấn lãng mạn. Nếu may mắn, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh hàng trăm con trích thư thả nhổ những nõn cỏ năn tươi non, thi thoảng cao hứng xập xòe những vũ điệu đẹp mắt mà các tay săn ảnh thực thụ cũng không dễ có được khoảnh khắc hiếm hoi này.
Đầm sen trong khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh: H.T.V. |
Nghe vọng cổ, ăn cá nướng
Giữa thiên nhiên phóng khoáng và hoang sơ, bất chợt câu vọng cổ ngọt lịm đầy truyền cảm của các cô thôn nữ mộc mạc cất lên. Thiên nhiên nơi đây sẽ đãi khách món cá lóc nướng cuốn lá sen non, mùi vị khó quên. Món ngon vùng này không đâu sánh bằng, bởi hương thơm của lá sen non tươi mới hái quyện với vị ngọt của cá lóc tươi mới bắt lên sẽ đánh thức mọi xúc giác của thực khách.
Kinh nghiệm của người dân ở đây là cá lóc tươi rửa sạch cho vào thau rồi rải đều lớp muối hột lên trên, đậy kín lại cá sẽ vùng vẫy và tự rửa sạch chất nhờn. Cho cá lên bếp than hồng nướng, nhớ xoay trở cá cho chín đều.
Khi lá cháy hết cũng là lúc cá chín. Cá chín nhờ hơi nóng của lá sen còn tươi tỏa ra như hấp. Cách nướng này không làm da cá bị cháy khét như nướng trui. Phải cuốn cá với lá sen non (thay cho bánh tráng), với các loại rau ghém, bún, thịt ba rọi xắt bản mỏng, tôm tép lột, chấm cùng mắm nêm được pha chế cho vừa ăn.
Bạn sẽ cảm nhận da cá vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ, thoang thoảng mùi hương sen. Món đặc sản này rất hấp dẫn đã làm nhiều khách ra về rồi vẫn phải “tương tư”.
Chòi sàn giữa thiên nhiên hoang sơ – Ảnh: Đ.H.T |
Đặc sản cá lóc nướng cuốn lá sen non |
Từ TP.HCM du khách theo quốc lộ 1 (đường cao tốc) về miền Tây, đến đoạn Tân An (vừa qua sông Vàm Cỏ Tây), rẽ phải vào quốc lộ 62 tới thị trấn Tân Thạnh, rồi theo đường 829 đi tiếp. Sau đó nhập vào đường 844, đi thêm chừng 15km rẽ trái lên cầu, thêm 700m rẽ phải sẽ tới Gáo Giồng. Đường thoáng, khá dễ đi.Nếu từ Cần Thơ, du khách đi qua cầu Mỹ Thuận chừng 7km đến ngã ba An Hữu rẽ vào quốc lộ 30 về huyện Cao Lãnh, rồi đi Gáo Giồng. |
ĐẶNG HOÀNG THÁM